Bán hết bò vẫn chưa đòi được tiền bán sữa
Nhiều hộ dân cho biết đã phải bán hết đàn bò để trả nợ vay nhưng vẫn chưa đòi được tiền bán sữa. Trong khi đó, công ty mua sữa chỉ muốn trả... góp tiền mua sữa do đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Minh Thắng (H.Đức Hòa), vào đầu năm 2014, sau khi biết thông tin Công ty CP sữa 247 (khi đó có tên là Công ty CP thực phẩm CMT) đang mua sữa của người dân trong khu vực, gia đình ông đã gom góp tiền tiết kiệm và vay thêm 70 triệu đồng của ngân hàng để mua bò sữa.
Từ tháng 2-2014, ông Thắng bán sữa cho công ty này theo hình thức giao sữa trước và nhận tiền qua tài khoản ngân hàng một tuần sau đó. Ba tháng đầu việc mua bán diễn ra suôn sẻ. Nhưng từ tháng 6-2014, việc trả tiền mua sữa chậm dần rồi ngưng. Tình trạng này kéo dài cho đến hết năm 2015.
Do tiền bán sữa bị chiếm dụng trong khi chẳng còn nguồn để trả lãi vay, vào tháng 11-2015 ông Thắng phải bán đi 8 con (trong số 14 con) để trả nợ nhưng vẫn còn nợ ngân hàng 30 triệu đồng, bằng đúng số tiền mà công ty mua sữa nợ gia đình ông từ tháng 8-2015 đến nay.
Tại buổi làm việc với công ty mua sữa, ông Thắng yêu cầu phải thanh toán ngay đủ số tiền 30 triệu đồng mà công ty còn nợ để ông trả nợ vay ngân hàng, đến hạn tất toán vào cuối tháng 9 này. “Trong hơn hai năm đầu tư nuôi bò, tôi lỗ 205 triệu đồng. Nếu công ty trì hoãn trả nợ, tôi sẽ kiện ra tòa” - ông Thắng bức xúc cho biết.
Không riêng ông Thắng, hơn 30 hộ dân ở Đức Hòa có hợp đồng mua bán sữa với Công ty sữa 247 đều trong tình cảnh bị công ty thiếu nợ kéo dài. Giữa năm 2015, ông Nguyễn Văn Hửng phải bán toàn bộ đàn bò để trả nợ, chấp nhận lỗ trên 200 triệu đồng do giá bò rớt xuống còn 18-19 triệu đồng/con so với giá mua lên tới 47 triệu đồng/con.
Thế nhưng, tiền bán sữa hàng trăm triệu đồng của gia đình ông chỉ được công ty trả nhỏ giọt trong suốt một năm qua, hiện vẫn còn 50 triệu đồng. “Chúng tôi liên hệ với công ty nhiều lần nhưng họ toàn hứa hẹn, có lúc họ không nghe điện thoại hoặc từ chối tiếp khi chúng tôi đến nhà máy đòi tiền. Tháng 1-2015 bắt đầu nợ luôn cho đến nay. Công ty hứa trả cho chúng tôi vào tháng 12-2015 mà đến nay là tháng 9-2016 vẫn chưa trả” - ông Hửng cho hay.
Theo giải thích của bà Phạm Thị Phương Thúy - tổng giám đốc Công ty sữa 247, việc nợ tiền mua sữa của nông dân là "bất khả kháng" do công ty có nhiều thay đổi về cổ đông và đầu tư, dòng tiền hoạt động gặp khó khăn, không có khả năng trả hết nợ cho nông dân như hợp đồng, đồng thời khẳng định công ty chưa bao giờ nói sẽ không trả nợ cho người dân nhưng đề nghị được giãn nợ do đang quá khó khăn. "Công ty vẫn đang hoạt động, nhưng doanh thu vừa dành để trả tiền mua sữa từ các hộ đang bán sữa hiện tại và trả nợ cũ" - bà Thúy nói.
Tuy nhiên, nhiều hộ không đồng ý với phương án trả nợ "nhỏ giọt" như công ty đề xuất. Ông Đào Thanh Tùng (H.Đức Hòa), người bị công ty nợ gần 80 triệu đồng tiền bán sữa từ tháng 3-2016 đến nay, cho biết dù rất chia sẻ với khó khăn của công ty nhưng chỉ chấp nhận cho gia hạn thêm một tháng và sau thời hạn này, ông sẽ kiện công ty ra tòa nếu không được trả hết nợ.
Nhiều người dân cho biết đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua bò, tiền chi phí thức ăn cho bò mỗi tháng vài ba chục triệu mà công ty chỉ trả nhỏ giọt vài ba triệu đồng là không chấp nhận được. "Nhưng cái khó là nếu không bán sữa cho công ty này cũng không biết bán đi đâu vì các công ty chế biến sữa lớn đều từ chối mua” - ông Tùng nói.
Mua sữa trả góp!
Tại buổi gặp gỡ người dân mới đây, Công ty sữa 247 tiếp tục đưa ra phương án trả nợ dần dần. Theo đó, những hộ bán sữa bò trong các tháng 1 đến tháng 7-2016, công ty sẽ trả 5 triệu đồng/tháng cho đến khi dứt nợ. Với những lô sữa công ty mua kể từ tháng 8-2016
sẽ được thanh toán trong tháng 9-2016.
Không chỉ từ chối phương án này, các hộ dân cũng bày tỏ nghi ngờ với phương án trả nợ mới của công ty bởi trước đó (cuối năm 2015), công ty cũng từng gửi công văn cho các hộ dân đề nghị giãn nợ tiền mua sữa sang đầu năm 2016 nhưng sau đó đã không thực hiện đúng cam kết.
TP.HCM sẽ giảm đàn bò sữa
Tính đến tháng 9-2016, theo báo cáo của Sở NN&PTNT TP.HCM, tổng đàn bò trên địa bàn chỉ còn khoảng 147.000 con, giảm 1,6% so với cùng kỳ 2015. Trong đó đàn bò sữa 93.000 con, giảm 1,8%, bò cái vắt sữa 46.000 con, giảm 1,7%. Tuy nhiên, sản lượng sữa bò tươi ước đạt 201.584 tấn, tăng 2,6%.
Theo bà Huỳnh Thị Kim Cúc - phó giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, số lượng đàn bò sữa giảm do những bò kém chất lượng đã được các doanh nghiệp và người chăn nuôi thải loại, đồng thời cho biết chủ trương của TP là duy trì đàn bò sữa không quá 100.000 con, cung cấp trung bình khoảng 25.000-30.000 con giống bò sữa/năm.
Đặc biệt, sẽ giảm quy mô chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ dưới 10 con/hộ để tập trung cải thiện chất lượng giống bò sữa, đồng thời áp dụng các tiêu chí thực hành chăn nuôi tốt (VietGap) trong chăn nuôi bò sữa tại nông hộ...
CÔNG TRUNG
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ